Chùa Bà Tấm hiện nay thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Chùa Bà Tấm là tên gọi phổ biến trong nhân dân để chỉ khu di tích tưởng niệm Nguyên Phi – Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, chùa còn có tên chữ Linh Nhân Tư Phúc tự.
Tương truyền chùa được Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan cho xây dựng, trải qua các triều đại Trần, Lê sơ, Mạc và các triều đại kế tiếp, đã được trùng tu nhiều lần. Dấu ấn ngôi chùa cổ được cho là thời Mạc bị phá vào khoảng thập kỷ 80 thế kỷ XX. Kiến trúc hiện còn là kết quả của lần phục dựng vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, bao gồm: Mặt bằng chùa kiểu chữ nhị (=), khoảng sân trước lát gạch hình chữ nhật. Hai nếp nhà có quy mô và kiểu dáng giống nhau: gồm 3 gian 2 dĩ với 4 mái cong. Tiền đường để trống 4 mặt làm nơi cho khách thập phương sắp lễ. Thượng điện (tam bảo) là nơi bài trí các pho tượng Phật. Các tượng Tam Thế, A Di Đà, Quan Âm và tòa Cửu Long tọa lạc trên một bệ thờ lớn xây gạch, dưới bệ thờ gắn hai đầu sư tử đá thời Lý. Hai bên tam bảo hiện để phiến đá"thành bậc" chim phượng và 4 tấm bia đá cổ của thời hậu Lê.
Hai đầu sư tử đá có kích thước khá lớn (cao 110, rộng 140cm), mọi chi tiết ở sư tử với những "khối căng no đủ" đầy chất điêu khắc, đã khẳng định về sức mạnh diệu kỳ của nó. Sư tử có trán lạc đà ngắn, giữa trán chạm chữ "Vương" để biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật tầng trên. Dưới chữ "Vương" là một u tròn lớn được viền diềm có nhiều u tròn nhỏ, dưới đó là chiếc mũi lớn bè, chạm nhiều đường cong song hàng, mắt giọt lệ kép, viền trên bằng hàng văn dấu hỏi tròn. Miệng sư tử mở rộng, há vừa phải, để lộ răng, lưỡi đỡ viên ngọc, tai kiểu thú đặt trên mang bạnh. Điểm xuyết trên mang là nhiều ổ các văn dấu hỏi cùng chạy về một tâm (theo nhà dân tộc học Từ Chi thì đó là hình tượng của nguồn phát sáng như mặt trời hoặc tinh tú). Sau mang là hệ thống tóc gồm nhiều hàng văn xoắn lớn, mà nhiều khi cứ ngỡ đó là hình tượng nghệ thuật hoá của chớp. Chân sư tử có 5 móng gà. Theo Phật giáo, sư tử là hiện thân của sức mạnh trí tuệ. Song, với những biểu tượng của tinh tú trên thân, sư tử đá chùa Bà Tấm còn mang ý nghĩa cõng bầu trời chuyển động.
Thành bậc "chim Phượng" là một hiện vật đá liền khối tương đối lớn (tương ứng với nhiều bậc lên, cao 80cm, ngang 130cm) nó khẳng định nền chùa khá cao (xấp xỉ 1 m). Thành bậc có hình tam giác vuông, phía trên là một con Lân đang chạy xuống. Dưới Lân là hàng hoa dây chạm nổi như đồ khảm (một hình thức phổ biến của nghệ thuật thời Lý) làm đường viền ở phía trên cho chim thiêng. Trong ô trang trí tam giác lớn, với nền cũng là hoa dây, mà mỗi hoa nổi lên thành một u tròn (5-6 cm), là con chim mang hình thức Phượng, với mỏ vẹt có mang lớn, tóc chải, cánh kép mở rộng, thân có vẩy kép kiểu cá chép, một chân co ngang, một chân đứng thẳng trong hình thức khá quy phạm, chim Phượng đứng một chân trên bông sen, ngực ưỡn về phía trước, đầu ngoảnh nhìn phía sau, đôi cánh dang rộng và có một bộ đuôi dài uốn lượn, khúc nhỏ dần chạy tới góc khung. Người ta vẫn có thể đọc được ở con chim này nhiều ý nghĩa: đầu đội công lý và đức hạnh, mắt là mặt trời, mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh là gió, lông là cây cỏ, chân là đất… Nó là hiện thân của thánh nhân. Ở đây chim còn đứng trên đài sen, chứng tỏ nó ở đất Phật và miệng ngậm lá Đề (tượng cho giác ngộ), phải chăng chim còn là "ca lăng tần già" với giọng dịu hoà biết giảng về đạo pháp. Trong các di tích thời Lý, những chim thiêng lớn kiểu trên ít nhiều còn gắn với hoàng hậu.
Trong khu di tích còn có nhiều chân tảng đá mài của thời Lý, những mảnh gốm và chim uyên ương cụt đầu. Đặc biệt trong di tích còn bảo lưu được 4 tấm bia đá cổ có niên đại thời hậu Lê. Trong đó có bia niên hiệu Đức Long 6 (1642) và bia niên hiệu Bảo Đại 18 (1943) đã ghi lại năm tu bổ chùa.
Năm 1996, Chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Loại hình
- Du lịch văn hóa
- lịch sử
- Du lịch tham quan
- khám phá
Liên hệ
- Xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *