Chùa Khoan Tế thuộc thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Chùa còn có tên là chùa Cự Đà và tên chữ là Khoan Hồng tự.
Chùa Cự Đà được xây dựng từ rất sớm. Theo các tài liệu còn lưu lại thì chùa được khởi dựng từ thời Lê, tuy nhiên những dấu ấn kiến trúc của triều đại này gần như không còn. Hiện kiến trúc của chùa Cự Đà mang phong cách kiến trúc của thời Nguyễn. Từ khi xây dựng đến nay đã hàng trăm năm nhưng chùa vẫn còn gần như nguyên vẹn là do tinh thần bảo quản di tích của nhân dân. Mỗi lần di tích xuống cấp, hư hỏng lại được nhân dân tôn tạo, sửa chữa. Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1817, 1826, 1922.
Chùa Cự Đà nằm trên một khu đất cao, có quy mô kiến trúc rộng lớn, phía trước là một hồ nước rất rộng. Chùa có tam quan, chùa chính, hai dãy tả hữu mạc, nhà thờ Mẫu, nhà Tổ.
Tam quan được xây dựng theo kiểu hai tầng bốn mái trổ ba cổng, với hai bên là hai trụ biểu được đắp nổi đề tài long, li, quy, phụng. Sát sau tam quan có hai tấm bia dựng năm 1634, niên hiệu Đức Long thứ 6, đời vua Lê Thần Tông và năm 1922 đều ghi việc trùng tu sửa chữa chùa.
Từ tam quan qua một sân gạch rộng là đến chùa chính. Chùa được cấu trúc theo kiểu chữ Đinh. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, thượng điện 4 gian. Giữa nóc tiền đường được đắp chữ Hán "Cự Đà tự" và trước hai tường hồi tiền đường là hai trụ biểu được trang trí các mảng đắp hình tùng, lộc, mai, chim, thú.
Thượng điện là nơi toạ lạc của các đức Phật. Trên cùng là ba pho tượng Tam thế, tiếp đến là Phật A Di Đà, hai bên có Quán Âm và Thế Chí. Tiếp theo là Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, hai bên có tượng Văn Thù cùng Phổ Hiền, hàng cuối cùng là toà Cửu Long với tượng Phật Thích Ca sơ sinh. Bên phải toà Cửu Long có tượng Quán Âm toạ sơn, bên trái là tượng Cung phi Trịnh Thị Ngọc Am, là người có công trùng tu chùa ở thế kỉ XVII. Ngoài tiền đường đặt tượng Thánh Tăng, Đức Ông và hai tượng Thập điện.
Chùa Cự Đà hiện còn bảo tồn được nhiều hiện vật quý: ba bia đá ghi lại việc sửa chữa chùa từ những năm 1634 và 1922, hai quả chuông đồng, 1 long ngai, 32 pho tượng có niên đại thời Lê - Nguyễn, hai bức cửa võng, sáu hoành phi, 7 câu đối. Ngoài ra, trong khuôn viên của chùa Cự Đà còn có một ngôi đền nhỏ thờ Phục Thần Phùng A với những hiện vật quý như 7 đạo sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn, một bộ bát bửu.
Năm 1996, Chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Loại hình
- Du lịch văn hóa
- lịch sử
- Du lịch tham quan
- khám phá
Liên hệ
- Thôn Khoan Tế, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *