Chùa Nành (Pháp Vân cổ tự), tọa lạc tại làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội được khởi dựng vào thời Lý. Theo truyền thuyết, đây là một trong bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp vào loại lớn nhất ở miền Bắc nước ta.
Chùa làng Nành là một ngôi chùa lớn, cũng được xem là chùa của tổng Nành. Chùa lớn nên người dân địa phương còn gọi là chùa Cả.
Theo bản Phả Ký chùa Đại Thiền này, vào thời Tiền Lê có rước tượng Pháp Vân từ chùa Dâu về thành Đại La để làm lễ cầu đảo. Sau khi trời đã cho mưa thuận bèn rước trả lại chùa Dâu, nhưng đến chùa Dâu thì không thấy tượng đá Thạch Quang đâu nữa. Bỗng trong chùa làng Nành có ánh sáng lạ, thì ra trên chạc cây mận ở vườn chùa có pho tượng đá. Dân làng dựng ngôi đền và rước tượng vào thờ, còn cây mận ở vườn chùa được hạ xuống tạc thành tượng Pháp Vân, từ đó những cuộc cầu đảo ở chùa này rất linh ứng. Như vậy chùa Làng Nành có nguồn gốc từ rất lâu đời và có thể nói là một trong những trung tâm của Phật giáo Cổ Pháp.
Chùa đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được đường nét cổ kính trong kiến trúc và điêu khắc. Với sự kết hợp đền Thần với chùa Phật, nhân vật trung tâm ở đây là bà Nành đã hoá thành cả Phật và Pháp Vân, khuôn viên chùa Nành không mở đầu bằng tam quan mà bằng toà ngũ môn giống như một nghi môn ở các đền. Toà ngũ môn chùa Nành được xây dựng khoảng đầu thế kỉ XX, là một khối vuông bề thế, dàn ra, vươn cao ở tầng lầu phía trên, khẳng định một diện mạo của một làng văn hiến. Sau ngũ môn là một sân rộng để tôn lên những dãy nhà của khu Tam Bảo. Hai bên ngũ môn là hai dãy nhà năm gian, dãy bên trái dành cho các quan chức, dãy bên phải dành cho tuần đinh. Hai bên của toà tiền đường cũng có hai dãy nhà ba gian, dãy bên trái dành cho thủ cờ, dãy bên phải dành cho thủ vật. Hai bên sân còn hai dãy hành lang dài bảy gian, đều để dựng bia trong đó có một tấm bia được dựng từ thế kỉ XVI nói về các quận công, đại thần, công chúa nhà Mạc mở mang cảnh chùa và làm ba pho tượng tam thế, chín tấm bia hậu Phật dựng vào thế kỉ VIII.
Phía sau sân mới thực sự là khu kiến trúc tôn giáo được dàn ra theo kiểu chữ Công nằm lọt trong chữ Quốc, gồm toà tiền đường ở phía trước và hậu đường ở phía sau, hai bên là hai dãy hành lang dài. Chính trong lòng của khu chữ quốc này là khu Tam bảo với kiến trúc chữ công gồm hai dãy nhà ba gian được nối với nhau bằng một dãy nhà chạy dọc năm gian. Toà thiêu hương chạy dọc được ngăn làm ba gian trong làm điện thờ Bà Nành/ Pháp Vân nhưng không tách biệt mà liền không gian với thượng điện theo nguyên tắc bố cục tiền Thần hậu Phật như thường gặp trong các chùa thuộc hệ thống Tứ Pháp.
Chùa Nành đã được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1989.
Loại hình
- Du lịch văn hóa
- lịch sử
- Du lịch tham quan
- khám phá
Liên hệ
- Làng Nành, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *