Đình thôn Vàng thuộc địa phận xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đình hiện tại quay hướng Tây Nam, nhìn ra một sân gạch rộng xung quanh có tường bao kín. Trước đình có ngũ môn, tảo mạc, bình phong. Nhìn tổng thể đình Vàng có kiến trúc lớn, khang trang mặt bằng bao gồm: sân đình, tả vu, đại đình, trung đình và hậu cung.
Đại đình gồm bẩy gian, mái lợp ngói vảy hến, bờ nóc chạy thẳng không trang trí, bờ giải xây giật ba cấp, đầu hồi bít đốc tay ngai có gắn sứ chạm rồng. Qua một bậc cửa chạy suốt ba gian giữa chúng ta bước vào đại đình. Nền lát gạch hoa, gạch chỉ và Bát Tràng, gian giữa nền thấp hơn so với các gian bên.
Đại đình có kiến trúc khá vững chắc được làm theo kiểu vì chồng rường giá chiêng, bốn hàng chân cột gian giữa có đường kính 60cm đứng vững chãi trên chân đá tảng. Không gian của đại đình thoáng, rộng để thoả mãn chức năng là nơi diễn ra các nghi lễ thờ thần hoàng và là nơi hội họp sinh hoạt văn hoá. Đại đình trước kia hệ thống cửa làm theo kiểu “thượng sơ hạ mật” chấn song con tiện do điều kiện chiến tranh đã bị phá hỏng nay được thay thế bằng cửa ván ở ba gian giữa và tường xây ở bốn gian hai bên.
Gian giữa đại đình đặt một nhang án lớn, phía trên là bức cửa võng sơn son thiếp vàng với bốn chữ lớn “Thánh cung vạn tuế” hai bên là hai bộ bát bửu và một đôi câu đối lòng máng chạm văn triện.
Qua ba cửa vòm cuốn ở gian giữa và hai cửa lớn ở gian hai bên chúng ta bước vào trung đường. Trung đường với mái lợp ngói vảy hến, hai tầng tạo thành bốn mái dài bốn mái ngắn. Các con kìm của mác tạo thành đao cong và hai vỉ ruồi. Bờ nóc chạy thẳng, để trơn không trang trí. Giữa hai lớp mái có hàng chấn song con tiện chạy suốt bốn bên để lấy ánh sáng cho trung đường và hậu cung.
Liền kề với trung đường là hậu cung gồm có ba gian, mái lợp ngói vảy hến, bờ nóc trang trí rồng gắn men sứ chầu mặt trời lửa. Sát bờ giải đắp hai con nghé. Giữa hai lớp mái có trang trí rồng, bờ giải xây giật bốn cấp (hai mái trên, hai mái dưới). ở giữa gian hậu cung xây một bệ lớn trên đặt khám thờ trong có long ngai bài vị. Hai bên đặt hai ban thờ nhỏ. Trang trí trên kiến trúc của hậu cung chủ yếu ở hai cốn hồi với các đề tài rồng, hoa lá cách điệu.
Mọi chạm khắc của kiến trúc được tập trung ở gian giữa đại đình với bốn đầu dư chạm rồng mang phong cách cuối Lê đầu Nguyễn đỡ lấy quá giang. Rồng được chạm sinh động mắt lồi, mũi nở, bờm uốn thành hình đao mác. Hệ thống cốn trong và ngoài đại đình được chạm cầu kỳ với đề tài hoa lá, long, ly, quy, phượng, trúc diều, hòm sách, cá hoá rồng…
Đình thôn Vàng còn bảo lưu được những di vật văn hoá có giá trị gồm nhiều chủng loại khác nhau đồ giấy, đồ đồng, đồ gỗ như: Bản sao cuốn thần phả gốc do Hàn lâm viện bộ lễ đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn; Sắc niên hiệu Khải Định 9 (1924) về việc cho phép thôn Vàng được thờ phụng bản cảnh thành hoàng đô hộ tôn thần có công phù giúp bảo vệ dân làng quanh năm; Bộ bát bửu, ngai bài vị, kiệu bát cống, ngựa gỗ, đôi hạc gỗ, một bộ cửa võng, hoành phi…
Với vẻ đẹp trong kiến trúc của ngôi đình cùng những di vật quý giá còn lưu giữ đình luôn là niềm tự hào đối với nhân dân thôn Vàng nói riêng và xã Cổ Bi nói chung. Chính vì vậy, đình luôn được giữ gìn, bảo quản khá tốt, kiến trúc và cảnh quan cơ bản còn nguyên vẹn. Di tích ở riêng biệt phía trước có tường bao quanh, đình được tiểu ban quản lý di tích thôn cử người trông nom nên di tích khá khang trang, sạch đẹp, thường xuyên được tu bổ, tôn tạo với nguồn kinh phí xã hội hoá từ nhân dân là chính.
Sự hiện diện của di tích đình thôn Vàng cùng với các di vật giá trị đã là những trang sách sống động góp phần giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tình yêu quê hương, biết trân trọng, bảo vệ và giữ gìn tài sản quý của địa phương đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá lớn của Thủ đô, của đất nước.
Năm 1995, đình thôn Vàng – xã Cổ Bi đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.
Loại hình
- Du lịch văn hóa
- lịch sử
- Du lịch tham quan
- khám phá
Liên hệ
- Xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *