Sau 5 năm kể từ ngày UNESCO chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, năm nay Gióng ở đền Phù Đổng lại được tổ chức với quy mô hội chính. Đây là sự kiện thu hút sự mong đợi của người dân làng Phù Đổng và hàng ngàn khách thập phương.
Hội Gióng là lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội để tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, song độc đáo và quy mô nhất vẫn là Lễ hội Gióng ở làng Phù Đổng, được tổ chức từ ngày 6 đến 10/4 Âm lịch. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Hội Gióng ở đền Phù Đổng tương truyền là nơi Thánh Gióng sinh ra và đánh thắng giặc Ân xâm lược, vì vậy, lễ hội có ý nghĩa và hoàn chỉnh hơn những nơi khác từ ý tứ truyền thuyết đến nghệ thuật diễn xướng. Hội Gióng là hội trận độc đáo, không có gươm đao nhưng vẫn tái hiện được giá trị bằng một hệ thống nghi lễ mang tính biểu tượng đã được chuẩn hóa. Đó là hệ thống biểu tượng có những tầng ý nghĩa sâu xa, lâu đời, nhưng cũng có tầng ý nghĩa mới mẻ, cô đọng; thể hiện sự nhân nghĩa, khoan hồng của quân và dân ta từ ngàn đời nay.
Mở đầu ngày chính hội là lễ rước cờ từ đền Mẫu về đền Thượng với sự tham gia của hàng trăm người được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các thôn của làng, thể hiện sức mạnh của đội quân Thánh Gióng. Đến đầu giờ Ngọ, phường Ải Lao diễn trò săn hổ trước đền Thượng thể hiện sức mạnh đoàn kết, có thể chiến thắng thú dữ. Trong khi đó, ở cuối làng Đổng Viên, trên bãi Đống Đàm cạnh hồ sen – tượng trưng cho trận địa địch, 28 nữ tướng địch đã dàn trận. Ngay sau đó, hội trận đã diễn ra, tái hiện hành trình đội quân Thánh Gióng xuất quân đánh giặc với phường áo đỏ, áo đen, với ông tiểu hổ dẫn đoàn ca vũ Ải Lao, ông hiệu Chiêng, hiệu Trống, hiệu Cờ, đội quân phù giá tháp tùng xe Long Mã, rồi đến cuộc giao chiến với giặc được hình tượng hóa qua ba ván múa cờ hết sức độc đáo của ông hiệu Cờ. Ván cờ thứ ba kết thúc, nghĩa là quân ta đã thắng.
Sau trận đánh trên bãi Đống Đàm là trận đánh ở Soi Bia. Tương truyền, sau khi giành thắng lợi, đại quân Thánh Gióng đang ăn mừng chiến thắng ở đền Thượng thì nhận được hung tin quân địch phản kích, bao vây quân ta. Ngay lập tức, đội quân Thánh Gióng xung trận lần thứ hai. Trận địa ở Soi Bia được bố trí tương tự ở Đống Đàm, chỉ khác là cờ được phất từ trái sang phải. Ván cờ thứ ba kết thúc thì tiếng trống, chiêng nổi ba hồi vang rền, báo tin quân ta thắng trận hoàn toàn. 28 tướng giặc phải rời kiệu, quỳ gối chắp tay xin hàng. Lúc này, ông thủ từ bên phía đại quân đến trước hai nữ tướng chỉ huy, tước kiếm, lột mũ áo và múa kiếm xung quanh hai người này, tượng trưng cho sự hành quyết. Các nữ tướng còn lại được tha bổng.
Mặc dù diễn ra trong thời tiết nắng nóng nhưng hàng ngàn người dân và khách thập phương vẫn đội nắng đi xem hội. Với sự chuẩn bị công phu, kết hợp uyển chuyển giữa phần lễ và phần hội, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, Lễ hội Gióng đền Phù Đổng đã mang đến cho đông đảo người dân và khách thập phương một không gian văn hóa chứa đựng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nằm trong lòng di tích quốc gia đặc biệt- đền Phù Đổng.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *