Ngày 18/5/2023, Sở Du lịch Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm phối hợp tổ chức khảo sát, hướng dẫn thủ tục công nhận điểm du lịch và tư vấn phát triển du lịch trên địa bàn xã Ninh Hiệp, Văn Đức.
Đoàn khảo sát do đồng chí Trần Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội làm Trưởng đoàn; tham gia Đoàn có lãnh đạo, chuyên viên Phòng Phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch - Sở Du lịch; đại diện lãnh đạo Phòng Văn hóa thông tin, Phòng Kinh tế và Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện và đại diện chuyên gia về lĩnh vực du lịch.
Đoàn công tác khảo sát thực tế tại Đền thờ Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
Ninh Hiệp xưa vốn là đất Phù Ninh, (tên nôm là Làng Nành). Đây là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời; có địa thế quan trọng và thuận lợi cho sự phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa xã hội và là nơi giao thoa giữa 2 nền văn hóa Thăng Long- Kinh Bắc nên đã sớm hình thành một làng thủ công nghiệp nổi tiếng có diện mạo văn hóa đa dạng với nhiều phong tục tốt đẹp.
Chùa Nành là một trong bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp lớn nhất miền Bắc nước ta
Làng nghề sơ chế thuốc Nam, thuốc Bắc, xã Ninh Hiệp có truyền thống lâu đời
là một điểm đến hấp dẫn thu hút khách tham quan du lịch (Trong ảnh: Nhà thờ tổ nghề thuốc Nam thuốc Bắc)
Ninh Hiệp có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hóa tâm linh, du lịch nghiên cứu lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch mua sắm và dịch vụ. Đối với du lịch văn hóa, tâm linh, Ninh Hiệp với bề dầy truyền thống về văn hóa còn bảo tồn một hệ thống các di tích lịch sử văn hóa với những di tích to, đẹp nổi tiếng khắp vùng và chứa đựng một bộ sưu tập di vật mang giá trị lịch sử nghệ thuật như Chùa Nành, Đình Ninh Giang, Nhà thờ tổ thuốc Nam, Đền thờ Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân… cùng các nghi lễ đặc sắc, Lễ rước âm, lễ dựng cây phướn, lễ xung quanh cây phướn, Lễ tiến hương tiến hoa tại Lễ hội Chùa Nành... Đối với du lịch làng nghề, du lịch mua sắm và dịch vụ, Ninh Hiệp có chợ vải nổi tiếng cả nước, thu hút một lượng lớn khách du lịch tới kinh doanh, mua sắm. Bên cạnh đó, Ninh Hiệp còn nổi tiếng với làng nghề sơ chế thuốc Nam, thuốc Bắc có truyền thống lâu đời là một điểm đến hấp dẫn thu hút khách tham quan du lịch.
Văn Đức là nơi sinh và phát tích nhân vật huyền thoại Chử Đồng Tử, một trong tứ bất tử của truyền thống văn hóa Việt Nam. Đình Chử Xá nổi tiếng với việc thờ đức thánh Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân (Tiên Dung và Tây Sa). Toàn xã 10 di tích phù hợp phát triển du lịch tâm linh. Cùng với đó, để phát triển du lịch làng nghề, khu sinh thái, Văn Đức là vùng sản xuất rau an toàn lớn của Thành phố hà Nội và đã hình thành một số nghề đặc trưng như: nghề hoa cây cảnh; nghề trồng rau an toàn giúp tạo không gian, cảnh quan vùng hoa rộng lớn và đẹp mắt, thu hút khách thăm quan, trải nghiệm, mua sắm…
Đoàn khảo sát lăng mộ Chử Cù Vân - phụ thân Đức thánh Chử Đồng Tử
Đình Trung Quan vẫn còn lưu giữ được các cổ vật như long ngai, bài vị, kiệu rước, thần phả,
hoành phi, câu đối và 18 đạo sắc phong của các triều đại từ nhà Lê đến nhà Nguyễn
Đoàn công tác đã tiến hành khảo sát thực tế tại Chùa Nành, Đền thờ Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Nhà thờ tổ nghề thuốc Nam thuốc Bắc và gia đình cá nhân tiểu biểu làm nghề thuốc Nam thuốc Bắc (xã Ninh Hiệp) và đình Chử Xá thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử- một trong “Tứ bất tử” của Việt Nam, lăng mộ Chử Cù Vân- phụ thân Đức thánh Chử Đồng Tử, đình Trung Quan cùng hệ thống tranh tường (xã Văn Đức)…
Phát biểu tại buổi khảo sát, các thành viên trong đoàn đã đánh giá cao nguồn tài nguyên du lịch mà xã Ninh Hiệp, Văn Đức hiện có. Đối với xã Ninh Hiệp và xã Văn Đức cần khai thác được điểm sáng đặc trưng của địa phương để đảm bảo việc hoàn thiện các tiêu chí, các điều kiện xây dựng và được công nhận điểm du lịch. Đoàn khảo sát đề nghị Huyện và 02 xã cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và các dịch vụ cần thiết bảo đảm phục vụ khách du lịch; tiếp tục quan tâm chỉnh trang cảnh quan môi trường, hoàn thiện sơ đồ chỉ dẫn tổng thể dành cho khách du lịch; tập trung khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để phát triển du lịch, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị du lịch, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách, cũng như góp phần duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương; tăng cường sự liên kết giữa Sở Du lịch với địa phương, doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm du lịch theo hướng phong phú, đa dạng, chất lượng và hấp dẫn./.
Ngọc Minh
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *