Chử Xá là một làng Việt cổ ven sông Hồng Hà (người dân thường gọi là sông Cái), có lịch sử tồn tại từ rất lâu đời, làng có tên Nôm là làng Sứa.
Đình Chử Xá thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa, Hữu phu nhân, Càn Hải tứ vị đại vương và hai vị ""Đương Niên, Đương Cảnh"". Được xây dựng trên một khu đất cao, sát với khu vực cư trú của làng, đình Chử Xá nằm theo hướng Nam trông ra dòng sông Hồng. Tuy ẩn mình trong vườn cây cổ thụ, song vẻ đồ sộ của kiến trúc vẫn lộ ra qua nhiều nếp nhà ngang dọc tạo thành. Tòa kiến trúc được bố cục kiểu tiền chữ Nhị, hậu chữ Công. Từ ngoài vào gồm tòa đại bái, tiền tế và khu cung cấm hình chữ công.
Đại bái là một tòa nhà năm gian hai dĩ trên diện tích 76 m2. Nhà được xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, phía trước hai tường hồi xây hai trụ biểu lớn cao ngang gần nóc mái, kiểu tụ lồng đèn đỉnh trụ đắp hình bốn chim phượng Tiền tế là ngôi nhà năm gian, hai dĩ nằm sát sau đại bái. Sau nhà tiền tế là kiến trúc chữ công gồm tiền bái, hậu cung và thiêu hương nối hai dãy nhà này.
Tòa hậu cung là nơi trang trọng và thâm nghiêm nhất để ban thờ các nữ thần Càn Hải đại vương.
Đình Chử Xá hiện còn lưu giữ được bộ sưu tập di vật nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại và có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật cao, trong đó tiêu biểu nhất là bộ sắc phong thần 47 đạo, có niên đại trải dài từ triều Lê đến triều Nguyễn. Sắc sớm nhất có niên hiệu Dương Đức tam niên (1675), tiếp đến là sắc niên hiệu Chính Hòa tứ niên (1684), sắc Vĩnh Khánh nhị niên (1734), sắc niên hiệu Cảnh Hưng 28 (1767), Cảnh Hưng 44 (1783). Hai cuốn thần tích ghi chép sự tích về Chử Đồng Tử. Bộ di vật được tạo tác bằng chất liệu gỗ gồm: Sáu bức hoành phi, hai đôi câu đối có nội dung ca ngợi công tích của Thành hoàng làng. Sáu cỗ long ngai bài vị được trang trí tỷ mỷ và thiếp vàng lộng lẫy, trong đó có ba cỗ ngai được tạo tác vào thế kỷ XVIII. Cỗ long ngai đặt bài vị đức Thánh Chử Đồng Tử có chiều cao cả bệ là 145cm. Bài vị, tay ngai được chạm hình rồng. Bệ cao 45 cm được chia thành nhiều lớp trang trí dầy đặc hoa văn và hình lưỡng long chầu nhật, hổ phù, tứ quý, đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo hiếm thấy ở các ngôi đình làng khác quanh vùng. Hai hương án chạm rồng, thiếp vàng nghệ thuật thế kỷ XVIII, hai cây quán tẩy sơn son thiếp vàng, hai bộ đòn kiệu rước chạm rồng nghệ thuật thế kỷ XVIII -XIX; hai pho tượng tròn nghệ thuật thế kỷ XVIII, tượng được tạo tác mang phong thái chân dung, gần gũi với đời thường. Một cỗ kiệu long đình nghệ thuật thế kỷ XIX. Một chân đèn thời Mạc, thân trang trí hình rồng và có khắc dòng chữ Hán ghi niên hiệu Đoan Khánh niên (1586). Có lẽ đây là một di vật quý hiếm mà không phải di tích nào cũng có được.
Đình Chử Xá có khởi nguồn là ngôi đền thờ Thần, sau đó do sự phát triển của kiến trúc đình làng nên đền được mở rộng và có thêm chức năng là đình làng nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức hội làng.
Đình Chử Xá là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến đã được nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật năm 1990.
Nằm bên tả ngạn sông Hồng khu di tích Chử Xá là một điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với quý khách thập phương trong tuyến du lịch bằng đường thuỷ trên sông Hồng.
Loại hình
- Du lịch văn hóa
- lịch sử
- Du lịch tham quan
- khám phá
Liên hệ
- Xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *