Ngày 17/3, Du lịch Hà Nội (HPA) chủ trì tổ chức Tọa đàm về công tác phối hợp xây dựng sản phẩm, tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá du lịch Gia Lâm.
Ngày 17/3, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) chủ trì phối hợp với UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) tổ chức Tọa đàm về công tác phối hợp xây dựng sản phẩm, tổ chức các sự kiện, hoạt động quảng bá du lịch Gia Lâm.
Chia sẻ về nguồn lực phát triển du lịch huyện Gia Lâm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết: Gia Lâm là nơi có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và là vùng đất cổ, còn lưu dấu nhiều di tích lịch sử liên quan đến buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Huyện có 320 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 khu di tích Quốc gia đặc biệt (Đền Phù Đổng); 64 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 86 di tích xếp hạng cấp Thành phố; 19 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng - kháng chiến và hàng vạn di vật, hiện vật có giá trị tiêu biểu cho diện mạo văn hóa Kinh Bắc và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Cùng các di tích lịch sử văn hóa và các di tích cách mạng kháng chiến, Gia Lâm còn có nhiều lễ hội truyền thống tiêu biểu như lễ hội Gióng, lễ hội Đền Bà Tấm, lễ hội Chử Đổng Tử... và nhiều làng nghề truyền thống, làng khoa bảng có lịch sử hàng trăm năm như làng Bát Tràng, làng Kiêu Kỵ, làng Nành (Ninh Hiệp).
Đây chính là những thế mạnh mà Gia Lâm có thể giới thiệu, quảng bá hình ảnh, lịch sử văn hóa, con người… đến bạn bè trong và ngoài nước. Đó cũng là những yếu tố cơ bản hình thành tài nguyên du lịch phong phú trên địa bàn huyện.
Cũng theo bà Hương, huyện Gia Lâm đã có Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 - 2025”. Huyện đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, từng bước hiện đại. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được quan tâm. Bát Tràng và Phù Đổng đã được công nhận là “Điểm du lịch của thành phố Hà Nội”. Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn đã được đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân và du khách.
Điểm du lịch Bát Tràng đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận năm 2019. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch đến thăm Bát Tràng tăng gấp đôi, có thời điểm tăng gấp 3 lần so với trước đó.
Sản phẩm du lịch Bát Tràng đa dạng với các sản phẩm: Du lịch tham quan, mua sắm sản phẩm làng nghề; Chương trình tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm nghề gốm với các nghệ nhân, cơ sở sản xuất; Trải nghiệm làm nghề gốm; Tham quan kiến trúc làng nghề, nhà cổ; Trải nghiệm làm bữa cơm truyền thống của người Việt; Du lịch văn hóa, tâm linh.
Điểm du lịch Phù Đổng được UBND Thành phố Hà Nội công nhận tháng 10/2021. Tại đây có các sản phẩm: Du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái, trải nghiệm giáo dục, kỹ năng sống; tham quan, chụp ảnh tại làng nghề hoa giấy Phù Đổng.
Tại các các địa phương khác có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch như Dương Xá, Văn Đức, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Đa Tốn… huyện Gia Lâm bước đầu định hướng phát triển du lịch các làng nghề Kim Lan (Sản xuất gốm sứ), Kiêu Kỵ (Dát quỳ vàng, bạc, may da), Ninh Hiệp (Thuốc nam, thuốc bắc, buôn bán vải, may mặc); Văn Đức (Vùng trồng rau an toàn, hoa cây cảnh, trải nghiệm nông nghiệp)… Tiếp tục quan tâm, xây dựng các sản phẩm, chương trình, kết hợp các loại hình du lịch, phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tại Tọa đàm, bà Hương đề nghị HPA, Sở Du lịch Hà Nội, các công ty lữ hành quan tâm, tăng cường phối hợp nghiên cứu, xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch thu hút, hấp dẫn du khách; phù hợp với nhu cầu và lợi thế của các vùng, tuyến du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện.
Phát biểu tại Toạ đàm, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel cho biết, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã công bố phương án mở cửa toàn bộ ngành du lịch với những quy định cởi mở. Thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành đang tiến hành khảo sát, đánh giá lại sản phẩm, dịch vụ để thiết kế tour, sản phầm phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch của du khách cả thị trường nội địa và quốc tế.
Ông Đạt đánh giá, huyện Gia Lâm có đầy đủ sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn để thiết kế các tour nửa ngày, 1 ngày và 2 ngày 1 đêm. Những khu du lịch mới như Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt dụ kiến khai trương dịp 30/4, 1/5 tới, Khu du lịch Green Part rất hấp dẫn.
Lợi thế của du lịch Gia Lâm là gần trung tâm Thủ đô, nhưng bất lợi là khi quảng bá, xúc tiến phải cạnh tranh với quá nhiều điểm đến, di tích khác cũng nổi bật khác tại Hà Nội. “Do đó, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện cần phối hợp chặt chẽ với các công ty lữ hành xác định chân dung khách hàng là ai để thiết kế tour cho phù hợp”, ông Đạt nói.
Với sản phẩm du lịch giáo dục, ông Đạt cho rằng, sau hai năm Covid-19, các khu du lịch Green Park, khu du lịch Cánh Buồm Xanh cần định hướng lại sản phẩm, hướng đến nhóm gia đình có trẻ nhỏ cắm trại cuối tuần, trong lúc đợi các nhà trường hoạt động trở lại và tổ chức cho học sinh đi dã ngoại.
Chung nhận định du lịch Gia Lâm có nhiều tiềm năng, thế mạnh, giá trị về văn hoá, lịch sử để phát triển du lịch, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm, Công ty Hanoitourist cho rằng, để thu hút du khách quốc tế, huyện Gia Lâm cần tập trung vào 2 sản phẩm chính là du lịch làng nghề và du lịch nông nghiệp. Với làng nghề Bát Tràng lâu nay đã làm rất tốt, nhưng cần phối hợp với tỉnh Hưng Yên làm tốt hơn công tác vệ sinh, biển chỉ dẫn, cải tạo cảnh quan hai bên sông Bắc Hưng Hải với những nhà vệ sinh công cộng, trồng nhiều cỏ cây, cụm hoa đẹp để khách check-in, ngắm cảnh.
“Bên cạnh đó, huyện cần có hệ thống kênh quảng bá như trang web, các mạng xã hội, thường xuyên tổ chức các cuộc thi về ảnh đẹp… để quảng bá và lan toả tới du khách trong nước và quốc tế”, ông Nguyên gợi ý.
Với du khách Việt Nam, ông Nguyên cho rằng, khi khách quốc tế đến đông hơn cũng sẽ thu hút được nhiều khách nội địa đến địa phương. Bên cạnh đó, trọng tâm thu hút du khách Việt Nam là du lịch tâm linh, nòng cốt sẽ là đền Phù Đổng Thiên Vương; cụm di tích đền, chùa Bà Tấm; Lễ hội Phù Đổng, đền Chử Đồng Tử. Trong đó, công tác truyền thông, quảng bá cũng rất quan trọng.
Đặc biệt, ông Nguyên nhận định, Gia Lâm có nhiều nhà hàng với những đặc sản hấp dẫn như cỗ Bát Tràng, ăn một lần nhớ cả cuộc đời, cùng với đó là các món canh chuối, cà muối, sữa chua… Các đặc sản theo mùa, quà lưu niệm tại đây cũng đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Do đó, huyện cần chuẩn hoá hệ thống các bài hướng dẫn, thuyết minh tại điểm cho từng đối tượng du khách. “Hanoitourist và cá nhân tôi sẵn sàng hỗ trợ huyện nhiệm vụ này”, ông Nguyên bày tỏ.
Tại Hội nghị, bà Nhữ Thị Ngần, CEO Hanoitourism đánh giá cao các sản phẩm du lịch tại huyện Gia Lâm và cho biết sẽ thiết kế ngay các tour du lịch đến Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt và đền Phù Đổng Thiên Vương vào dịp cuối tuần cho du khách.
Phát biểu kết luận Toạ đàm, ông Bùi Duy Quang, Phó giám đốc HPA cho biết, năm 2022, HPA xây dựng kế hoạch khảo sát du lịch tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Gia Lâm là huyện thứ 4 trong chương trình. Sau chương trình khảo sát, các doanh nghiệp lữ hành sẽ xây dựng sản phẩm, tour du lịch ở từng địa phương và kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm với các điểm du lịch trên địa bàn thành phố.
Trung tâm cũng mời đơn vị số hoá tham gia để số hóa các sản phẩm trên địa bàn huyện Gia Lâm, làm căn cứ, dữ liệu phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của thành phố.
Ông Quang cho biết, với trách nhiệm là cơ quan xúc tiến, HPA sẽ hỗ trợ huyện Gia Lâm quảng bá, xúc tiến du lịch tới thị trường trong nước và quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn đã khảo sát các điểm đến, sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm gồm: Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, các điểm đến du lịch tại Bát Tràng, Khu di tích Đền - Chùa Bà Tấm, Di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng; Khu du lịch Green Park; làng nghề hoa giấy Phù Đổng...
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *