Nằm trong Khu công nghiệp Bát Tràng (Huyện Gia Lâm), nhà trưng bày, giới thiệu sản phẩm của cơ sở sản xuất gốm sứ Cương Duyên gây ấn tượng với du khách nhờ kiến trúc độc đáo với 12 cây cột bằng gốm vươn thẳng lên trời. Không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm của cơ sở gốm sứ Cương Duyên, Nhà cây Đông Sơn trong tương lai sẽ trở thành một bảo tàng lưu giữ tư liệu, hình ảnh, hiện vật về lịch sử làng nghề Bát Tràng hơn 1.000 năm tuổi và là điểm tham quan hấp dẫn với du khách.
Mặt tiền của nhà cây Đông Sơn với những cây gốm trang trí độc đáo
Định vị thương hiệu bằng giá trị truyền thống
Cơ sở gốm sứ Cương Duyên được vợ chồng nghệ nhân Hà Nội Phạm Duy Cương gây dựng cách đây 30 năm, trên cơ sở kế thừa nghề truyền thống của gia đình. Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, nghệ nhân Phạm Duy Cương đã phát triển thành công dòng gốm men lam mang nền tảng kỹ thuật truyền thống đặc trưng của Bát Tràng kết hợp với tinh hoa nghệ thuật gốm cung đình Huế, tạo nên các sản phẩm khác biệt so với các cơ sở khác. Chia sẻ về tiêu chuẩn của dòng gốm đặc biệt này, nghệ nhân Phạm Duy Cương cho biết: “Chất men lam của tôi đặc biệt ở chỗ, màu lam phải tươi, sáng, trong. Khi ra sản phẩm phải đẹp, nước men sâu, các nét vẽ không bị rung. Đấy là gốm men lam tiêu chuẩn”.
Gốm men lam xuất hiện ở Bát Tràng từ thế kỷ XIV và là một trong những dòng gốm lâu đời nhất tại đây. Cơ duyên đã đến với nghệ nhân Phạm Duy Cương khi ông được mời phục chế một số hiện vật gốm gắn với thời kỳ vua Bảo Đại tại Quần thể di tích Cố đô Huế. Sau 2 tháng nghiên cứu, ông đã tìm ra công thức pha chế màu lam y như hiện vật gốc, điều mà trước đó chưa ai làm được. Tiếp đó, ông đã tìm tòi, sáng tạo ra 13 màu men mới như: Men rạn Lưu ly, Tường Vân, Ngũ sắc, Diên vĩ... mang đậm dấu ấn riêng. Không những vậy, ông còn chú trọng giữ gìn phương thức vẽ tay thủ công để sản phẩm vừa mang bản sắc Việt, vừa đáp ứng được xu hướng hiện đại, nhu cầu đa dạng của nhiều thị trường. Đó là điểm nổi bật giúp gốm sứ Cương Duyên định vị thương hiệu.
Gian trưng bày sản phẩm của Nhà cây Đông Sơn
Điểm tham quan hấp dẫn
Không chỉ được du khách biết đến nhờ các sản phẩm chất lượng cao, cơ sở sản xuất gốm sứ Cương Duyên còn thu hút khách bởi nhà trưng bày sản phẩm độc đáo: Nhà cây Đông Sơn. Công trình được thiết kế bởi họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - tác giả của Con đường gốm sứ ven sông Hồng.
Được xây dựng trên mảnh đất hình nan quạt có diện tích 465m2, công trình gồm: Phòng trưng bày gốm sứ có diện tích 320m2, điểm nhấn là 12 cột bao quanh ngôi nhà như những thân cây nâng đỡ 12 mái vòm phía trên. Gây ấn tượng cho du khách là toàn bộ họa tiết trang trí được đắp nổi hoa văn Đông Sơn trên chất liệu gạch men truyền thống. Phần dưới mỗi thân cây là những trụ gốm đúc nguyên khối chạm nổi họa tiết Đông Sơn, phủ men xanh coban đậm. Các cành và thân cây được bao phủ bởi hàng nghìn viên gạch
mosaic gốm nhỏ, tạo hiệu ứng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Phần trung tâm tòa nhà là giếng trời rộng hứng ánh sáng tự nhiên với điểm nhấn là chiếc cầu thang cuốn hai cánh cũng được trang trí hoàn toàn bằng gốm. Tất cả các chi tiết, hoa văn trang trí đều do chủ nhà - nghệ nhân Phạm Duy Cương và những người thợ thực hiện.
Nhờ kiến trúc độc đáo cùng các sản phẩm chất lượng cao, Nhà cây Đông Sơn không chỉ là nơi trưng bày sản phẩm mà còn trở thành điểm tham quan hấp dẫn. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: “Nhà cây Đông Sơn là một trong những điểm tham quan nằm trong tuyến du lịch Làng nghề Bát Tràng, cùng với các điểm đến khác như: Đình Bát Tràng, chùa Kim Trúc, chợ gốm, làng cổ... Đây là công trình hội tụ những nét tinh hoa của làng nghề; thể hiện mong muốn, khát vọng vươn lên và hội nhập của người dân Bát Tràng”.
Chị Phạm Cẩm Linh, con gái nghệ nhân Phạm Duy Cương, cho biết: Với mong muốn mang lại những trải nghiệm đa dạng cùng hiểu biết sâu sắc cho du khách về Làng nghề Bát Tràng, thời gian tới, Nhà cây Đông Sơn sẽ được bổ sung tư liệu, hình ảnh, hiện vật để trở thành một bảo tàng tư nhân, nơi lưu giữ lịch sử hình thành và phát triển làng nghề. Cùng với đó, gia đình cũng sẽ cải tạo xưởng sản xuất để du khách có thể giao lưu và được những người thợ trực tiếp hướng dẫn cách vuốt, nặn gốm thủ công với đầy đủ các công đoạn. “Việc giao lưu với du khách sẽ giúp đội ngũ thợ của chúng tôi hiểu nhu cầu, thị hiếu của khách để nâng cao chất lượng sản phẩm. Lắng nghe nhu cầu của thị trường, luôn đổi mới, song song với việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống sẽ là hướng đi bền vững đối với các hộ sản xuất nói riêng và Làng nghề Bát Tràng nói chung”, chị Linh chia sẻ./.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *