Hội làng Khoan Tế diễn ra từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng. Trong hội có rước kiệu Thánh Em về thăm Thánh Anh.
Làng Khoan Tế gốc tên là Quán Hồng, sau đổi thành Khoan Hồng, là một làng nhỏ thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Khoan Tế cùng với các làng trong xã Đa Tốn hiện nay nằm ở hữu ngạn sông Hồng. Vết tích của những lần thay đổi dòng chảy của sông hiện nay là Đầm Dài - một con đầm rộng lớn ngoài đồng làng. Tục truyền, xa xưa, thần trâu vàng (Kim Ngưu) nghe tiếng mẹ gọi đã chạy từ huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) về Hồ Tây.
Hồ đình Khoan Tế
Trên đường đi, trâu vàng nghỉ ăn có ở cánh đồng Khoan Tế, đầm thành vũng lớn, tức con đầm hiện nay, là nguồn nước tưới dồi dào cho đồng ruộng của dân làng từ bao đời. Lại có thuyết cho rằng, con đầm này là khúc cạn của sông Đài Bi thời cổ, vốn là một nhánh lượn vòng của sông Nghĩa Trụ trước khi chảy vào sông Hồng, sông này từ năm 1961 đã mở rộng thành một nhánh kênh mương của công trình thủy nông Bắc Hưng Hải.
Bên hông đình Khoan Tế
Đại đình Khoan Tế
Làng Khoan Tế có nhiều di tích in đậm những dấu ấn của lịch sử. Ngay sát chợ làng có ngôi đền Ngoài, hay đền Thượng, thờ thần Bạch Mã, dân làng gọi là Thánh Anh - vị thần trấn ải cửa Đông Kinh thành Thăng Long. Chưa rõ đền được dựng từ bao giờ, nhưng tấm bia lập năm Đức Long thứ tư (1632) ghi rõ việc trùng tu đền vào thời điểm này. Làng còn thờ vị Thủy thần là Phùng Kha đại vương (Thánh Em).
Tương truyền, vào một năm xa xưa, trên khúc sông Đài Bi chảy qua làng hiện lên một khúc gỗ thiêng. Làng cắt một đoạn về làm bài vị thờ, đoạn còn lại trôi xuống địa phận làng Giang Cao (nay thuộc xã Bát Tràng) nên làng này thờ, vì thế hai làng Khoan Tế và Giang Cao có tục kết nghĩa với nhau. Cứ ba năm một lần có lệ rước kiệu từ làng vượt qua đường Con Voi sang Giang Cao để dự thổi cơm thi, thi luộc gà, đóng oản.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *